Doanh nhân Phạm Vũ Khánh - người góp phần gìn giữ văn hóa trà Việt (Kỳ I)

Đăng lúc: Ngày 02 tháng 07 năm 2015, Lúc 11:51

Tuổi trẻ từng bôn ba nhiều nơi, làm nhiều công việc khác nhau, nhưng chỉ khi đến với cây chè, anh mới tìm được niềm đam mê đích thực của đời mình. Dành tình yêu, tâm huyết và cả những trăn trở của mình đối với cây chè, anh tự nhủ lòng mình quyết tâm phải làm được điều gì đó để cây Chè Shan Tuyết của Việt Nam tìm được vị trí xứng đáng tại thị trường trong nước cũng như thị trường quốc tế. Nhủ là làm, anh đã trèo đèo lội suối, đến với bà con dân bản trên các vùng cao Tây Bắc Việt Nam để tìm hướng phát triển cho dòng sản phẩm này. Với đôi tay khéo léo của người thợ cơ khí, với khối óc của một nhà quản lý kinh doanh, đến nay trải qua một chặng đường hơn 8 năm gắn bó với lĩnh vực chế biến chè, doanh nhân Phạm Vũ Khánh và Công ty Cổ phần Chè Hiệp Khánh của anh đã bước đầu đưa được sản phẩm Chè Shan Tuyết Việt Nam vươn xa ra thị trường thế giới, góp phần vào việc phát triển thương hiệu chè xanh Việt Nam trên thị trường chè quốc tế.

 

 
(Ảnh: Anh Khánh (bên phải) nhận Chứng nhận Thương hiệu Việt Nam tin dùng 2014
cho thương hiệu chè Hiteaco của Công ty Hiệp Khánh)

Từ một công nhân cơ khí…

Doanh nhân Phạm Vũ Khánh sinh ngày 09/11/1972, trong một gia đình thuần nông có sáu anh em tại làng Đôn Thư - Kim Thư - Thanh Oai - thành phố Hà Nội. Chịu ảnh hưởng từ truyền thống của gia đình, dòng họ và dưới sự giáo dục nghiêm khắc của cha mẹ, anh em Phạm Vũ Khánh đều trở thành những người con thành đạt, mỗi người theo đuổi một nghề khác nhau, lập nghiệp ở những miền đất khác nhau, nhưng tất cả đều giữ được nếp quê và truyền thống văn hóa gia đình.

Doanh nhân Phạm Vũ Khánh trải qua những tháng năm tuổi trẻ với chặng đường bôn ba khắp mọi nơi. Rời mái trường cấp ba, anh theo học nghề cơ khí ô tô tại Trường Công nhân Cơ khí Ô tô Hòa Bình. Học xong trung cấp nghề, anh sang Ukraina học tập và lao động trong khoảng thời gian 4 năm (1992 - 1996). Những năm tháng lăn lộn mưu sinh trên xứ người đã giúp anh không chỉ có vốn ngoại ngữ (tiếng Nga) mà còn giúp anh có được nhiều kinh nghiệm quý báu phục vụ con đường kinh doanh sau này. Về Việt Nam năm 1996, với những hoài bão và đam mê của tuổi trẻ, anh lại lặn lội vào vùng Tây Nguyên nắng gió, thử sức mình với việc trồng và kinh doanh cây cà phê. Nhưng miền đất cao nguyên không đủ sức níu giữ chân anh ở lại. Vậy là sau 3 năm sống ở Gia Lai, năm 1999, anh chuyển ra Hà Nội và vào làm công nhân cơ khí tại Công ty cơ khí ô tô 3-2. Từ đây, anh có nhiều thay đổi rõ rệt, đạt được nhiều thành tích và đặc biệt là có nhiều thăng tiến trong công việc. Từ một công nhân cơ khí, anh được tín nhiệm bầu lên làm tổ trưởng, rồi lên đốc công, quản đốc xí nghiệp. Vừa là một nhà quản lý, anh cũng là một nhân tố tích cực trong công tác Đoàn thể. Bằng hoạt động năng nổ của bản thân, anh được kết nạp vào Đảng, đồng thời nhận được nhiều bằng khen của Tổng công ty công nghiệp Ô tô Việt Nam, của Bộ Giao thông Vận tải, nhiều năm liên tục là chiến sĩ thi đua các cấp. Trong quá trình công tác tại Công ty Cơ khí Ô tô 3-2, anh được lãnh đạo và cấp trên quy hoạch vào đôi ngũ cán bộ nguồn, được cử đi học các lớp nghiệp vụ để bồi dưỡng chuyên môn và nghiệp vụ quản lý tại các trường như Đại học Bách Khoa, Đại học Kinh tế Quốc dân. Đang ở giai đoạn sự nghiệp có nhiều thăng tiến, anh có một quyết định khiến bao người phải ngỡ ngàng và kinh ngạc, đó là: nghỉ việc. Cũng từ đây, con đường sự nghiệp của anh rẽ sang một hướng mới…

 

Bén duyên với cây chè…

Năm 2000 có thể được coi là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời doanh nhân Phạm Vũ Khánh khi anh bắt đầu biết đến cây chè. Kể từ khi anh lập gia đình với chị Nguyễn Thị Thắm năm 2003, tình yêu với cây chè của anh như được nhân lên gấp bội bởi gia đình bên vợ có doanh nghiệp chè từ những năm 90. Tìm được niềm đam mê và tâm huyết của cuộc đời mình, năm 2005, anh quyết định nghỉ việc ở Công ty Ô tô 3-2, hai vợ chồng quyết định tự đứng ra sản xuất kinh doanh chè. Tự bắt tay vào kinh doanh, anh chị đưa ra định hướng thiên về sản xuất nhằm nâng cao tính chủ động và mang lại hiệu quả cao hơn dù chặng đường này dài hơn, khó hơn.

Bắt đầu từ việc thuê lại một nông trường hơn 300 héc ta chè tại tỉnh Sơn La (năm 2005). Rời xa thủ đô Hà Nội lên vùng Tây Bắc nắng gió với niềm đam mê cháy bỏng khám phá một nghề mới, anh Phạm Vũ Khánh tự mày mò học hỏi kinh nghiệm từ chăm sóc, thu hái và chế biến chè với bà con dân bản người Thái tại huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La. Dù gặp nhiều khó khăn trong năm đầu tiên mới lập nghiệp riêng nhưng năm 2006 anh chị vẫn quyết tâm thành lập Công ty TNHH Hiệp Khánh tại Hà Nội và Chi nhánh Công ty tại Sơn La. Ngay khi bắt đầu với hoạt động sản xuất kinh doanh chè, anh Phạm Vũ Khánh đã xác định doanh nghiệp mình sẽ phát triển dựa trên nền tảng của một nhà chế biến chè chuyên nghiệp với mục tiêu đầu tiên là sản xuất ra mặt hàng có ưu thế vượt trội về giá trị kinh tế và sức khỏe, để khách hàng biết và tự tìm đến.

Chị Thắm - vợ anh đã có nhiều năm phụ trách hoạt động xuất khẩu cho Công ty của gia đình, nên chị có khá nhiều kinh nghiệm, hiểu biết về chè và thị trường xuất khẩu, chị vừa là người bạn đời, vừa là trợ lý đắc lực cho anh. Trong khi đó, anh Phạm Vũ Khánh là một người năng động, nhanh nhạy trong nắm bắt mọi việc, đặc biệt là nhu cầu thị trường. Với đôi bàn tay khéo kéo của người thợ cơ khí, với những kinh nghiệm tích lũy được trong những năm làm công nhân cơ khí và quản đốc xí nghiệp, anh đã tự mày mò chế tạo ra các loại máy móc phục vụ cho việc chế biến chè. Năm 2007, sản phẩm chè của doanh nghiệp anh được thị trường nước ngoài háo hức chào đón, đơn hàng ngày càng nhiều, anh chị mạnh dạn mở rộng hợp tác với nhiều nhà máy chế biến chè trên các tỉnh Tây Bắc như Lai Châu, Yên Bái, Sơn La, Hà Giang và mở rộng vào miền trung như tỉnh Nghệ An, vào tận phía Nam như tỉnh Lâm Đồng. Với thế mạnh của doanh nhân Vũ Khánh là nắm được quy trình sản xuất, chế tạo được máy móc phục vụ cho việc sản xuất và chế biến chè, anh chú trọng vào việc chuyển giao công nghệ chế biến, bao tiêu sản phẩm cho các Nhà máy sơ chế nên việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp anh có khá nhiều thuận lợi.

 

 
(Ảnh: Vợ chồng anh Khánh và chị Thắm lên nhận giải thưởng tại Lễ hội Văn hóa trà
do Hiệp hội Chè Việt Nam tổ chức năm 2013)
 

Thuận lợi là vậy, nhưng khó khăn trong quá trình theo đuổi đam mê với cây chè còn nhiều hơn. Khó khăn lớn nhất chính là vùng nguyên liệu không tập trung, việc vận chuyển, đi lại gặp rất nhiều khó khăn vất vả. Các vùng nguyên liệu chè ở Tây Bắc cách rất xa nhau, cây chè vốn là cây xóa đói giảm nghèo cho bà con vùng cao nên vùng nguyên liệu chè luôn ở trên những xã vùng cao, nơi heo hút, hẻo lánh, vùng của bà con dân tộc thiểu số như người Mường, người Thái, người Dao, người H’Mông. Trong gần mười năm qua, bản thân anh Phạm Vũ Khánh luôn phải đến trực tiếp các vùng nguyên liệu để hướng dẫn kỹ thuật chế biến cho bà con và các cơ sở sơ chế tại mỗi vùng nguyên liệu chè mà anh đang bao tiêu sản phẩm. Gian truân, vất vả, mệt nhọc là thế nhưng với niềm đam mê, nhiệt huyết và quyết tâm cao độ đã giúp anh vượt lên tất cả để gắn bó với nghề chè này.

Trong nhiều năm bôn ba từ Bắc vào Nam đến với các vùng trồng chè khắp trên cả nước, điều thu hút anh chị chính là những rừng chè Shan Tuyết cổ thụ, những cây chè đặc biệt ấy có sức sống mãnh liệt qua hàng trăm năm ở độ cao trên 1000m so với mực nước biển, nơi quanh năm lạnh rét, sương mù bao phủ. Anh chị nhận thấy đây là một giống chè quý và hiếm, đặc biệt có giá trị về khoa học cũng như kinh tế, lại mang đậm nét văn hóa lâu đời của Việt Nam, đây cũng là minh chứng thuyết phục cho thấy Việt nam là nước có cây chè cổ vào hàng lâu đời nhất trên thế giới. Anh chị quyết tâm sẽ dành thời gian và tâm huyết của mình cho dòng sản phẩm chế biến từ cây chè Shan Tuyết cổ thụ này. Ấp ủ dự định, nhưng quyết định làm ra sản phẩm từ cây chè Shan Tuyết cổ thụ thực sự đến với anh Khánh từ giữa năm 2013, trong một dịp làm việc với một đối tác của doanh nghiệp - một chuyên gia chè đến từ nước Mỹ. Sau khi được xem một clip giới thiệu về cây chè Shan Tuyết cổ thụ của Việt Nam, ông đối tác đã vô cùng ngạc nhiên bởi trước đó, ông không hề biết rằng Việt Nam cũng có loại chè quý này. Ông đã khuyên hai vợ chồng doanh nhân Phạm Vũ Khánh sớm thực hiện kế hoạch phát triển dòng sản phẩm thu hái từ cây chè Shan Tuyết cổ thụ, bởi đây là loại chè quý, hiếm mà thiên nhiên ban tặng cho Việt Nam. Trên thế giới có 53 nước trồng chè, nhưng chỉ một vài nước có được loại chè này. Từ lời khuyên và sự ủng hộ của vị chuyên gia, một cuộc kiểm tra chất lượng cho sản phẩm chè Shan Tuyết cổ thụ với 165 chỉ tiêu sinh hóa được doanh nghiệp anh gửi đi kiểm định tại Công ty kiểm định quốc tế - SGS, thực hiện theo hướng dẫn của chuyên gia Mỹ. Kết quả tuyệt vời từ tất cả các nội dung phân tích đã hoàn toàn thuyết phục, anh tập trung phát triển dòng sản phẩm từ cây chè Shan Tuyết cổ thụ này. Vậy là chè Shan Tuyết cổ thụ thương hiệu HITEACO của doanh nhân Phạm Vũ Khánh đã được giới thiệu tại thị trường Việt Nam vào năm 2014 - sớm hơn 2 năm so với dự kiến trước đó của anh.

(Còn nữa)

 

Tin sự kiện

Thông báo tăng giá bán Mận Dẻo

Thông báo tăng giá bán Mận Dẻo

Từ ngày 1 tháng 10 năm 2016, Hiteaco áp dụng giá bán lẻ sản phẩm Mận Dẻo theo giá mới. ...

Thay đổi giá bán lẻ Chè Shan Tuyết Nhãn Bạc 5 sao

Thay đổi giá bán lẻ Chè Shan Tuyết Nhãn Bạc 5 sao

Giá bán lẻ sản phẩm Chè Shan Tuyết Nhãn Bạc 5 sao từ 3.500.000đ/kg lên 4.500.000đ/kg...

Tuần lễ Thưởng trà và tìm hiểu Văn hóa Trà Việt tại Bách Niên Trà

Tuần lễ Thưởng trà và tìm hiểu Văn hóa Trà Việt tại Bách Niên Trà

Tuần lễ Thưởng trà và tìm hiểu Văn hóa Trà Việt tại Bách Niên Trà quán từ 22 - 30 tháng 12 năm 2015 (Miễn phí...

Góc Trà và Thơ

Chùm thơ về Chè Shan Tuyết

""

1. Hương trà shan tuyết

Trăm năm đơm gió ngậm sương 

Đọng vào búp lá vị hương đất trời 

Đây trà shan tuyết bao đời 

xem tiếp