Với đặc tính tự nhiên của cây chè Shan Tuyết thường nằm trên vùng núi cao hơn 1000m, nên trong quá trình khai thác và chế biến gặp rất nhiều gian truân, vất vả. Anh Khánh cho biết: “để có được một sản phẩm chè Shan Tuyết từ những cây chè cổ thụ trên 300 năm tuổi thì tiền bỏ ra 1 đồng nhưng công sức phải bỏ ra 10 đồng”. Để đến được những rừng chè cổ thụ này, phải trải qua nhiều chặng đường trèo đèo lội suối, dầm mưa dãi nắng. Có những chặng đường chỉ có 20km nhưng anh chị phải đi mất hơn 6 tiếng đồng hồ. Ngày nắng còn đỡ những những ngày mưa gió, đường sá lầy lội do núi sạt lở, lại thêm đường đồi trơn trượt nhưng anh chị vẫn không quản ngại vất vả vì biết rằng bà con đang đợi mình lên. Có những lần anh chị lên đến lưng chừng núi thì trời tối, bà con đã không quản ngại thắp đèn xuống núi đón anh chị và mọi người trong đoàn về Bản.

Thời gian đầu, sản phẩm chè Shan Tuyết chủ yếu hướng tới xuất khẩu, vì trên thế giới biết đến cây chè này từ rất lâu, trong khi người Việt Nam có rất ít người biết đến. Sản phẩm chè Shan Tuyết của doanh nghiệp anh Khánh hiện đang được xuất khẩu đi hơn 10 nước trên thế giới và anh chị cũng ấp ủ dự định mở rộng thị trường trong nước nhằm giới thiệu cho người Việt biết đến một thức uống rất đặc biệt này. Một dấu mốc quan trọng đánh dấu việc đưa thương hiệu chè đến gần hơn với người yêu trà trong nước đó là vào tháng 11/2013, anh chị tham gia Festival chè tại Thái Nguyên đã nhận được rất nhiều phản ứng tích cực từ những người thưởng trà, trong đó có nhiều người Tân Cương - được coi là những người sành trà nhất nước ta.
Từ đây, anh Khánh nhận thấy, có rất nhiều người Việt cũng yêu thích và mong được thưởng thức trà Shan Tuyết và chính từ đây, anh ôm ấp một dự định là sẽ mang sản phẩm trà này đến với thật nhiều người yêu trà Việt và tin rằng ngoài sản phẩm chè Thái Nguyên được ưa dùng nhiều năm nay, người Việt sẽ tự hào về sản phẩm chè Shan Tuyết cổ thụ - một loại trà rất quý và hiếm trên thế giới. Sau Festival, anh chị quyết định mở một phòng trà để vừa giới thiệu các sản phẩm của Công ty, vừa tạo điều kiện cho mọi người cùng đến thưởng thức trà. “Bách niên trà” quán đã khai trương vào tháng 12/2013 tại khu đô thị Mỗ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội. Khách hàng và người yêu trà đã háo hức tìm đến đây rất đông để được nghe giới thiệu và tư vấn về sản phẩm từ cây chè Shan Tuyết cổ thụ Việt Nam, cách pha chế, cách sử dụng chè và công dụng của loại chè này đối với sức khỏe… Anh chị phát triển cho ra nhiều loại sản phẩm từ nguyên liệu của cây Chè Shan Tuyết cổ thụ như: Chè Shan Tuyết Nhãn Vàng (chế biến từ những cây Chè Shan Tuyết cổ thụ tại xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La), Chè Shan Tuyết Nhãn Bạc (chế biến từ những cây Chè Shan Tuyết cổ thụ tại các xã Nậm Mười, Sùng Đô… của huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái), Chè Shan Tuyết Nhãn Xanh (chế biến từ những cây Chè Shan Tuyết cổ thụ tại xã Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình). Ba bộ sản phẩm này, hội đủ gần như hết tinh hoa của chè cổ thụ Việt Nam. Tết 2015, Công ty CP Chè Hiệp Khánh vừa cho ra thị trường sản phẩm “Bánh Trà Cổ” đóng gói với họa tiết in mô phỏng theo mẫu hình Trống Đồng - một biểu tượng mang đậm nét văn hóa dân tộc Việt Nam. Đây là sản phẩm chế biến từ cây Chè Shan Tuyết cổ thụ hơn 300 năm tuổi. Chè được chế biến theo quy trình lên men của dòng chè vàng (như chè Phổ Nhĩ của Trung Quốc) đã rất nổi tiếng trên thế giới nhưng lại chưa được biết đến nhiều tại Việt Nam. Ngoài việc chế biến chè theo quy trình chế biến riêng của anh Khánh, Công ty do doanh nhân Phạm Vũ Khánh lãnh đạo còn rất quan tâm đến việc hợp tác với các nhà khoa học tại các trường Đại học hoặc các Viện nghiên cứu nhằm cho ra đời những sản phẩm chè có giá trị gia tăng lớn hơn, phát huy được hết tính dược trong sản phẩm Trà, phục vụ tốt vấn đề sức khỏe cho cộng đồng như: Dự án sản xuất thử nghiệm cấp Bộ GDĐT “Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất một số sản phẩm thực phẩm chức năng chứa hoạt chất Steviozit có tác dụng hỗ trợ bệnh tiểu đường từ cây cỏ ngọt Việt Nam” (2012 - 2013) do tiến sĩ Trần Trung Kiên (Trưởng Khoa Hóa, trường ĐH Bách Khoa Hà Nội) làm chủ dự án. Kết quả hợp tác đã cho ra đời sản phẩm Thảo Hồng Trà (sản phẩm có tác dụng giảm cholesterol trong máu, tiêu độc, thanh nhiệt; tốt cho người ăn kiêng, tiểu đường, cao huyết áp và người muốn giảm cân); hay đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ của Tiến sĩ Phùng Lan Hương “Nghiên cứu công nghệ và tính toán thiết kế, chế tạo hệ thống thiết bị trích li có sự hỗ trợ của song siêu âm để tách Polyphenol từ lá chè xanh thứ phế phẩm”. Dự án thành công sẽ hứa hẹn nhiều sản phẩm có giá trị cho người sử dụng và cộng đồng xã hội.

Thông qua việc tạo ra một sản phẩm chè quý và có chất lượng, anh Phạm Vũ Khánh còn muốn truyền tải đến mọi người nét văn hóa trà Việt, muốn bảo tồn và phát triển cây chè quý (Chè Shan Tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi). Việc đưa sản phẩm Chè Shan Tuyết cổ thụ Việt Nam ra thị trường thế giới, góp phần nâng cao hình ảnh thương hiệu chè Việt, thay đổi định kiến của bạn bè quốc tế về các sản phẩm chè của Việt Nam, từ đó phổ biến nét văn hóa trà Việt.
Không chỉ có vậy, tâm huyết của anh Khánh khi gắn bó với cây Chè Shan Tuyết nói chung và cây chè cổ thụ nói riêng, còn mang ý nghĩa nhân văn và ý nghĩa xã hội cao cả, đó là tạo công ăn việc làm, giúp bà con dân tộc thiểu số có một cuộc sống no đủ hơn bởi anh chị biết rằng cây chè chính là cây xóa đói giảm nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số. Kinh doanh bằng cái tâm, đặt chữ tâm lên trước lợi nhuận, anh chị đã đi vào trong dân, ăn ở với dân, đồng cảm với cái nghèo cái khổ của họ. Để rồi từ đó anh chị tự nhủ rằng, phải giúp đỡ bà con nơi đây làm giàu bằng chính cây chè, loài cây thân thiết của bà con. Hiện nay, doanh nghiệp của anh Khánh đang trực tiếp và gián tiếp tạo công ăn việc làm cho hơn 1.000 hộ dân trên nhiều tỉnh vùng cao Tây Bắc Việt Nam. Anh đã thực sự trở thành người bạn thân thiết, một người anh em của bà con dân Bản. Ngoài ra, với lòng tự tôn dân tộc, vợ chồng doanh nhân Phạm Vũ Khánh muốn góp phần gìn giữ văn hóa trà Việt Nam, muốn phổ biến giá trị của cây chè cổ cũng như văn hóa trà Việt ra thế giới.

Anh Khánh (bên trái) nhận Giải Thương hiệu vàng thực phẩm Việt Nam 2014
cho thương hiệu chè Hiteaco của Công ty Hiệp Khánh
Kiên định một mục tiêu, cống hiến hết mình cho niềm đam mê và hoài bão của bản thân, biết vươn lên và khắc phục những khó khăn, đó là những gì có thể nói khi miêu tả về doanh nhân Phạm Vũ Khánh. Mặc dù chưa bao giờ nhận mình là nghệ nhân trà, nhưng trong mắt nhiều người thì anh chính là một nghệ nhân trà tiêu biểu của Việt Nam. Tình yêu với cây chè, tâm huyết với người trồng chè và đam mê nghề cộng với lòng tự hào dân tộc, tự hào về lịch sử và văn hóa trà Việt chính là động lực giúp anh gắn bó với ngành chè và trưởng thành đến ngày nay. Ngành chè Việt nam nếu có nhiều hơn nữa những người như anh, thì chắc chắn trong tương lai không xa, giá trị của cây chè Việt Nam và giá trị văn hóa Trà Việt sẽ được nâng cao hơn nữa trên thị trường quốc tế.
Dù xa quê từ khi tuổi đời còn rất trẻ nhưng doanh nhân Phạm Vũ Khánh vẫn luôn hướng về quê hương nguồn cội, vẫn giữ được nếp quê và truyền thống văn hóa gia đình, dòng họ. Anh vẫn thường cùng với vợ con về quê thăm hỏi họ hàng làng xóm. Trong các lần gặp mặt dòng họ hay trở về quê hương, doanh nhân Phạm Vũ Khánh vẫn thường mang những sản phẩm trà do chính mình làm ra như một món quà gửi tặng những người thân trong dòng tộc. Từ bản thân mình, anh luôn mong muốn làm được một điều gì đó để góp phần vào sự phát triển của quê hương, đất nước. Những đóng góp cho các hoạt động dòng họ, hay những hoạt động từ thiện quyên góp, ủng hộ trên vùng cao mà hàn năm anh chị vẫn thường xuyên thực hiện, dù theo anh là nhỏ bé thôi nhưng cũng giúp anh chị cảm thấy hạnh phúc, bởi đã làm một điều gì đó có ý nghĩa cho cộng đồng, cho những người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.
“Phạm Khánh đôn thư một mái nhà
Ấm lòng bằng hữu hương tinh hoa
Đạo trà hồn việt thơm tinh khiết
Độc ẩm tâm quê ngọt đượm đà
Bốn biển giao lưu tình thủ túc
Một ly kết nối nghĩa mình ta
Sóng sa sóng sánh vàng ngưng chén
Chúc phúc bên nhau sống thuận hò”.
Tác giả bài viết: Hiền Lương (edit)